PTNN: Dạy trẻ đọc đồng dao “Thằng bờm” (5-6 tuổi)

  1. Mục tiêu

– Trẻ nhớ tên, thuộc và hiểu được nội dung bài đồng dao“Thằng Bờm”.

– Trẻ biết ngắt nghỉ đúng nhịp khi đọc bài đồng dao. Phát triển ngôn ngữ mạch lạc, cung cấp vốn từ cho trẻ.

– Giáo dục trẻ về đức tính thật thà, không tham lam. Sự hồn nhiên, ngây thơ

  1. Chuẩn bị

– Cô nghiên cứu tài liệu, soạn và thuộc giáo án

– Giáo án điện tử

– Trang phục thằng Bờm cho cô, quần áo các nhân vật đủ cho trẻ.

– Mũ có hình ảnh: 3 bò, 9 trâu; ao cá mè, bè gỗ lim, chim đồi mồi, nắm xôi

– Sa bàn rối quay có các nhân vật và hình ảnh: 3 bò, 9 trâu; ao cá mè, bè gỗ lim, chim đồi mồi, nắm xôi.

– Bài hát“Thằng Bờm”. Nhạc đệm theo nhịp cho trẻ đọc đồng dao

– Song loan, xắc xô, thanh gõ

– 2 Mo cau, 4 rổ, 15 chiếc quạt mo

– Chỗ cho trẻ hoạt động

III. Tổ chức hoạt động

  1. Ổn định tổ chức ( 4- 5 Phút)

Cô đóng vai Bờm cầm quạt nhảy chân sáo vào và đọc Rap theo nhạc:

Ai ơi, nghe chuyện thằng Bờm.

Chuyện thằng Bờm, có cái quạt mo

Phú Ông, xin đổi 3 bò

3 bò 9 trâu, Bờm đâu có nghe

Phú Ông, đổi ao cá mè

Ao cá mè, Bờm chẳng có nghe

Phú Ông, đổi bè gỗ lim

Bờm ngồi im, Bờm lắc đầu

Phú Ông, đem đổi nắm xôi

Đổi nắm xôi, Bờm cười hi hi

(Bờm nằm vắt chân và quạt theo nhạc)

 – Ôi vui quá! thích quá! Các bạn ơi, các bạn có mệt không?( Bờm quạt cho các bạn)

Không, Bờm không cho đâu. Cái này là của Bờm, Bờm phải để đổi lấy xôi ăn chứ!

– Thế Bờm đó các bạn biết Bờm có cái gì đấy?

– Sao bạn biết hay vậy?

– Đồng dao về tớ á? Còn có cả bài ĐD về tớ nữa cơ đấy!

– Thế tên bài ĐD đó là gì vậy nhỉ?

  1. Nội dung ( 24- 27 phút)

* Đọc đồng dao ” Thằng Bờm”

– Ôi thích quá các bạn có thể đọc cho tôi nghe bài ĐD đó được không?

– Các bạn giỏi quá! Tôi cảm ơn các bạn

– Tôi thấy các bạn đọc bài đồng dao rất giỏi nên tôi cũng muốn thể hiện bài ĐD này nhưng tôi còn có cả hình ảnh minh họa nữa đấy, các bạn cùng hướng lên màn hình, lắng nghe và nhận xét xem tôi đọc bài đồng dao này như thế nào nhé! (Đọc lần 1 kết hợp với sa bàn rối quay.)

+ Bạn nào có thể nhắc lại tên bài đồng dao tôi vừa đọc?

+ Các bạn thấy tôi đọc bài đồng dao này thế nào?

+ Các bạn ơi, bài đồng dao Thằng Bờm được viết theo thể lục bát. Cứ 1 câu 6 tiếng lại có 1 câu 8 tiếng, nên khi đọc Bờm đã ngắt nghỉ theo nhịp 2/2/2 và nhịp 2/2/2/2 nghĩa là cứ đọc 2 tiếng lại nghỉ 1 lần và cứ như vậy tôi đọc đến hết bài ĐD. Đặc biệt khi đọc tôi còn thể hiện tình cảm vui tươi, hồn nhiên đấy các bạn ạ!

+ Theo các bạn bài đồng dao này nói về điều gì?

* Giảng nội dung : Các bạn biết không, bài đồng dao này nói về cuộc trao đổi giữa Bờm và Phú Ông! Phú Ông thời xưa là người giàu có trong làng, rất tham lam, xấu tính, còn Bờm lại là một cậu bé hiền lành, thật thà và rất ngây thơ, trong sáng. Bờm có một cái quạt mo, Phú Ông rất thích cái quạt mo của Bờm. Phú Ông muốn đổi rất nhiều thứ quý giá như: Ba bò chín trâu, ao sâu cá mè, một bè gỗ lim, rồi cả con chim đồi mồi để lấy quạt mo nhưng mà Bờm nhất định không đổi. Bờm chỉ đổi quạt mo để lấy nắm xôi thôi đấy. Các bạn có biết vì sao không?

– Để Bờm nói cho các bạn nghe nhé! Bờm chỉ đổi quạt mo để lấy nắm xôi. Vì Bờm nghĩ chiếc quạt mo của Bờm đơn giản chỉ được làm bằng 1 cái mo cau. Nghĩa là khi lá cau rụng xuống Bờm đã cắt và ép phẳng thành quạt mo để quạt mát vào những ngày hè nóng bức, vậy mà Phú Ông không biết nên đã phải đưa ra nhiều thứ quý giá để đổi nhưng Bờm cũng chẳng cần những thứ đó Bờm chỉ cần 1 nắm xôi để ăn cho no bụng thôi các bạn ạ!

* Dạy trẻ đọc đồng dao

– Bây giờ mời các bạn đọc bài đồng dao này cùng Bờm nhé!

(Cô cho cả lớp đọc 1 lần, cô chú ý sửa sai, sửa ngọng cho trẻ)

Các bạn giỏi quá! Bây giờ Bờm có yêu cầu dành cho các bạn, không biết các bạn có sẵn sàng vượt qua thử thách của Bờm không?

– Các bạn trai sẽ đọc câu của Phú Ông còn các bạn gái sẽ đọc câu của Bờm. Xem ai đọc hay hơn nhé.

* Đàm thoại nội dung

– Bài đồng dao các bạn vừa đọc có tên là gì?

– Bài đồng dao nói về điều gì?

– Các bạn thật là giỏi. các bạn ơi bài đồng dao

” Thằng Bờm” nói về cuộc trao đổi giữa Bờm và Phú Ông. Phú Ông có 1 cái quạt mo. Còn Bờm thì rất thích cái quạt mo của Phú Ông.

– Ai đã muốn đổi quạt mo của Bờm?

– Phú ông đã định đổi những gì để lấy quạt mo?

– Nếu là bạn thì bạn sẽ đổi quạt lấy gì? Vì sao?

– Các bạn ơi, với những tài sản quý giá mà Phú Ông đưa ra thì chắc chắn Bờm sẽ đồng ý đổi quạt mo để lấy những thứ đó đúng không nhỉ?

– Vậy không biết Bờm đã trả lời Phú Ông như thế nào? Tôi xin mời 2 bạn thể hiện cuộc trao đổi trên giữa Bờm và Phú Ông.

– Cuối cùng Phú Ông đưa ra thứ gì để đổi quạt mo của Bờm?

– Lần này chắc chắn Bờm cũng sẽ không đổi quạt mo để lấy nắm xôi đúng không?

– Vậy Bờm đã làm gì? Vì sao?

– Câu ĐD nào thể hiện điều đó?

– Các bạn thấy Bờm là người như thế nào?

=>Giáo dục trẻ: Các bạn ơi! Theo tôi trong cuộc sống tuy gặp hoàn cảnh khó khăn nhưng chúng ta luôn phải thật thà, không  nên tham lam trước những vật quý giá của người khác các bạn có đồng ý với ý kiến của tôi không nhỉ?

*Trò chơi: 

– Ôi! Bờm thấy các bạn đều là những em bé ngoan. Vì thế Bờm sẽ tặng cho các bạn những chiếc quạt mo xinh xắn mà Bờm đã chuẩn bị, các bạn có thích không nhỉ?

Nhưng để được Bờm tặng quạt mo các bạn phải vượt qua được thử thách của Bờm, các bạn có đồng ý không?

+ Cách chơi: Bờm sẽ chia các bạn thành 2 đội: Đội Thằng Bờm và đội Phú Ông, mỗi đội sẽ có một cái mo cau. Lần lượt 2 bạn đầu hàng đi đến vạch chuẩn bị. 1 bạn lấy chiếc quạt và ngồi cho chân lên mo cau, bám thật chắc. Bạn còn lại sẽ cầm lá cau để kéo bạn của mình đi và bỏ quạt vào rổ của đội mình, sau đó mang mo cau trở lại đưa cho 2 bạn tiếp theo rồi về cuối hàng đứng. Thời gian cho các bạn sẽ là 1 bản nhạc, kết thúc bản nhạc đội nào lấy được nhiều quạt mo hơn đội đó sẽ giành chiến thắng.

+ Luật chơi: Mỗi lần di chuyển bằng mo cau các bạn chỉ được mang theo 1 chiếc quạt và trong quá trình di chuyển đội nào làm rơi quạt mo hay bạn chơi bị ngã thì chiếc quạt mo đó sẽ không được tính. Xin hỏi các bạn đã sẵn sàng vượt qua thử thách của Bờm chưa?

– Tổ chức cho trẻ chơi trên nền nhạc “Thằng Bờm”, cô bao quát trẻ chơi.

( Cô cho trẻ đếm số quạt mo và công bố kết quả).

– Các bạn ơi, Bờm muốn hỏi các bạn trong quá trình chơi trò chơi vừa rồi các bạn có nghe thấy gì không nhỉ?

Các bạn ạ, với lời đồng dao mộc mạc, dễ đọc, dễ hiểu, có vần điệu nên các nhạc sĩ đã phổ nhạc cho bài đồng dao. Bây giờ xin mời các bạn cùng nghe Bờm đọc bài ĐD này kết hợp với nhạc đệm xem có điều gì khác biệt không nhé!(  đọc lần 2 theo nhạc)

–  Bờm vừa đọc bài đồng dao gì các bạn nhỉ?

–  Ai có nhận xét gì về cách đọc bài đồng dao của Bờm khi kết hợp với nhạc ?

– Đúng rồi đấy các bạn ạ, khi đọc bài đồng dao kết hợp với nhạc đệm sẽ giúp cho chúng ta đọc bài đồng dao đúng nhịp hơn đấy. Bờm xin mời các bạn đọc bài đồng dao kết hợp âm thanh vỗ tay vào nhau.

– Bây giờ Bờm sẽ mời ra 3 bạn trai và mỗi bạn trai sẽ mời 1 bạn gái thể hiện cùng

– Bài đồng dao có thể đọc với nhiều cách khác nhau. Xin mời các bạn cùng thể hiện bài đồng dao theo cách riêng của mình

– 1 trẻ cầm quạt đọc kết hợp với nhún theo nhạc

– 8 trẻ đọc và thể hiện động tác, điệu bộ minh họa với hình ảnh mũ đội đầu

– 4 – 5 trẻ đọc đồng dao kết hợp với các dụng cụ âm nhạc

– Và bây giờ xin mời các bạn cùng đến với hoạt cảnh” Thằng Bờm” được chuyển thể từ bài đồng dao cùng tên do bạn A trong vai Bờm. Bạn B trong vai Phú Ông và một số bạn khác trong vai người ở nhà Phú Ông. Hoạt cảnh xin phép được bắt đầu.

– Các bạn vừa được xem hoạt cảnh được chuyển thể từ bài ĐD gì?

– Qua bài đồng dao các bạn học được điều gì ở Bờm?

– Bờm  thấy các bạn đọc bài đồng dao rất hay. Và đặc biệt khi kết hợp với các dụng cụ âm nhạc đã giúp các bạn thể hiện bài đồng dao” Thằng Bờm” đúng nhịp điệu hơn. Thưởng cho tất cả các bạn 1 tràng pháo tay. Bờm hy vọng với bài đồng giao này các bạn đã học được ở Bờm sự ngây thơ, trong sáng và đặc biệt là không tham lam trước những vật có giá trị của người khác.

  1. Kết thúc ( 2-3 phút)

Hôm nay Bờm thấy các bạn đọc bài đồng dao

“Thằng Bờm” không chỉ thuộc mà còn rất hay nữa Bờm có 1 món quà dành tặng các bạn mời các bạn cùng đón xem

Giờ học đến đây là kết thúc rồi thay mặt cô trò lớp 5 tuổi… xin kính chúc các cô giáo và gia đình mạnh khỏe, hạnh phúc, chúc các con chăm ngoan, học giỏi.